Nghệ nhân Bùi Hương Thu – Người thổi hồn cho thủy tinh và gốm sứ

VHG Khi nói tới ngành nghề mỹ thuật một cách tổng quan, chúng ta thường nghe nhắc đến các nghề như điêu khắc gỗ, gốm sứ, sơn mài… nhưng có lẽ ít ai biết đến một ngành nghệ thuật hội hoạ cực kỳ đặc sắc mà ít người biết đến, đó chính là nghệ thuật trang trí trên kính hay thủy tinh.

Những ngày Sài Gòn tháng 3, không gian ồn ào náo nhiệt bỗng nhường chỗ lại cho sự bình yên. Trò chuyện với chúng tôi, Nghệ nhân Bùi Hương Thu cho biết: Cô sinh ra và lớn lên tại Thái Bình, một mảnh đất yên bình và giàu truyền thống của các ngành nghề thủ công như chạm bạc, dệt đũi, làm chiếu, mây tre đan, đúc đồng…nổi tiếng cả nước.

Nghệ nhân thừa nhận, cô may mắn hơn rất nhiều người khác khi được thừa hưởng được bộ gene nghệ thuật của cha mẹ mình – những người họa sỹ kỳ cựu của Trường Trung cấp Mỹ Thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Bởi vậy mà năng khiếu cứ tự nhiên mà có, 2 chị em cô chưa phải học bất kỳ một khoá vẽ nào mà đơn giản chỉ là nghĩ sao thì vẽ ra thế.

Là một nghệ nhân đam mê nghệ thuật trang trí trên thủy tinh và gốm sứ nhưng ít ai có thể ngờ rằng cô xuất phát điểm lại là một sinh viên theo học ngành Luật tại Đại học Luật Hà Nội. Nhưng cuộc sống vốn là một dòng chảy không ngừng cuốn ta đi hết ngã rẽ này đến ngã rẽ khác. Trong cuộc đời này, có mấy ai là hạnh phúc đủ mười phần? Không mệt thân thì cũng khổ não tâm can. Đã mấy người tự đứng lại tự nhìn nhận nghiêm túc và dũng cảm bẻ lái cuộc đời của mình sang một hướng khác?  Nói về bước ngoặt cuộc đời đó, nghệ nhân chia sẻ: “Năm 2016-2017, biết bao biến cố dồn dập xảy đến với cuộc đời tôi. Từ chuyện riêng về sức khoẻ của bản thân cũng như chuyện buồn về tình cảm bạn bè. Tôi đau lòng nhìn những người bạn, người anh của mình hoạn nạn mà không thể giúp đỡ được bất cứ điều gì. Có người hôm nay còn gặp, ngày mai đã chia xa không hẹn ngày trở lại, có người sẽ còn gặp đấy nhưng lại gặp ở hoàn cảnh và địa vị khác hoàn toàn ngày xưa.

Những cảm xúc cứ cuốn tôi vào vòng xoáy của nó để rồi không hiểu sao sau gần 20 năm không màng đến vẽ, tôi bắt đầu vẽ và đam mê với vẽ. Khởi đầu tôi chỉ muốn vẽ về Phật bởi khi vẽ về Phật tự nhiên tôi cảm thấy bình an đến lạ lùng.

Tôi không muốn vẽ trên canvas, vẽ trên giấy hoặc các chất liệu khác….như bao người khác. Tôi muốn các sản phẩm của tôi có tính ứng dụng thực tiễn và đem đến một nguồn cảm hứng mới. Do vậy, tôi bắt đầu tìm hiểu về nghệ thuật trang trí trên kính và gốm.

Những ngày đầu tìm hiểu vì cả Việt Nam không ai đủ sự kiên trì theo đuổi đam mê này nên tôi đành phải tự mày mò, tự tìm tòi, tự đọc những tài liệu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga … Nhưng khó khăn về ngôn ngữ đó không thể ngăn cản tôi từ bỏ. Tôi quyết tâm nhiều hơn và tự tìm cách nhập màu từ nước ngoài về để mày mò thử nghiệm.

Trong suốt quá trình đó, tôi không đếm nổi mình đã bỏ đi bao nhiêu sản phẩm vẽ hỏng và cho đến khi hoàn thiện được sản phẩm nào ưng ý, tôi đều mang đi tặng cho bạn bè làm quà kỷ niệm hoặc tặng cho những người có duyên đến với tôi.

Sau một thời gian tìm hiểu và nghiên cứu, tôi bắt đầu đăng những sản phẩm của mình lên facebook cá nhân và thật bất ngờ, hầu hết các bạn bè và người quen của tôi đều tỏ ra vô cùng hứng thú. Rất nhiều người đã hỏi tôi và tìm cách đặt hàng nhưng tôi vẫn im lặng bởi tôi muốn rèn giũa mình nhiều hơn thế. Một mặt nào đó cũng bởi vì tôi vẫn lúng túng chưa dám chắc, những người ấy họ thực sự thích các sản phẩm của tôi thật hay đơn thuần họ chỉ muốn ủng hộ động viên tôi?

Phải mất thêm 2 năm nữa để thử nghiệm đánh giá tác động của môi trường cũng như trong quá trình sử dụng sản phẩm, tôi mới bắt đầu bán. Khi bán ra, tôi hồi hộp chờ đợi và kết quả như đến giờ các bạn thấy. Tôi vẫn miệt mài vẽ và tạo ra các sản phẩm kỳ công hơn những ngày đầu rất nhiều và hầu như không bao giờ bạn bắt gặp có chiếc thứ 2 giống như vậy.

Làm nghề, điều hạnh phúc nhất là sản phẩm của mình được công nhận, được khách hàng trân trọng. Tôi vui và hạnh phúc khi rất nhiều người chọn sản phẩm của mình làm quà cho những người mà họ trân quý như chiếc bình giữ nhiệt vẽ rồng Drupka được Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa luôn mamg theo người khi đi hoằng pháp. Hay việc tôi đã khóc vì hạnh phúc, vì góp được 1 phần nhỏ bé của mình cùng với các mạnh thường quân vào một việc có ích khi 2 chiếc bình vẽ Phật Quan âm và Hoa sen ủng hộ quỹ từ thiện Turkey Dash – Nụ cười Việt 2019 cho các bé bị hở hàm ếch mỗi chiếc được các nhà hảo tâm đấu giá mỗi bình 87 triệu và còn rất nhiều các sản phẩm khác của tôi đang ở mọi nơi trên thế giới với những người yêu quý chúng.”

Kỳ thực, trên đời này vốn có rất nhiều việc là không thể làm trước được, đến thời khắc thì nó sẽ đến, cũng không thể né tránh. Chúng ta chỉ có thể học cách đón nhận chúng với thái độ bình thản, tích cực mà thôi. Mọi chuyện trên đời đến với chúng ta đều là bởi một chữ “Duyên” và đối với Nghệ nhân Bùi Hương Thu cũng vậy. Bởi nếu nói ngay từ đầu cô đi theo truyền thống của gia đình thì đâu cần phải đợi đến 20 năm sau cô mới bắt đầu vẽ? Nhưng nếu con đường cô đi như đã được vạch ra như vậy thì liệu rằng chúng ta hoặc cô có dám chắc rằng cô có chọn cho mình con đường chinh phục nghệ thuật trang trí trên thủy tinh và gốm đầy khó khăn không?

Truyền thống của gia đình đã nuôi dưỡng dòng chảy nghệ thuật trong cô, cô luôn tìm tòi và sáng tạo để mỗi một tác phẩm của mình là một dấu ấn. Từng đường nét trên các tác phẩm đều xuất phát từ những lời dạy của Phật và cũng từ tâm mà đi đến được lòng người bởi vậy nên nó có sức thu hút đặc biệt đến kỳ lạ.

Trang trí trên thủy tinh và gốm sứ đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ đến tinh tế bởi vì bề mặt thể hiện nét vẽ là các sản phẩm của gốm và thủy tinh là mặt cong chứ không phải là một mặt phẳng bình thường. Vì là chất liệu đặc biệt không thấm hút nước nên buộc phải sử dụng 3-4 lớp màu để lên được một khối. Các chấm nổi cũng phải tuân thủ các quy tắc đặc biệt để không bị nhoè hay chồng đè lên nhau. Cuối cùng như các bạn thấy, một sản phẩm đến tay các bạn trung bình mất từ 2 tuần đến 1 tháng tùy từng độ khó của sản phẩm. Bởi vậy nên bộ môn này rất hiếm người kiên trì theo đuổi để đạt được thành công.

 

Cô thừa nhận, để được mọi người biết đến các tác phẩm của mình là một phần may mắn của cuộc sống và đặc biệt hơn cả là sự ủng hộ của mọi thành viên trong gia đình. Từ việc mẹ luôn dành thời gian tư vấn về những phần bố cục khó trong các tác phẩm cho đến mẹ chồng và chồng luôn ủng hộ hết mình, tạo mọi điều kiện về không gian cũng như thời gian để cô sáng tạo. Mỗi khi làm việc, họ đều tôn trọng, giúp đỡ và giữ im lặng tuyệt đối vì họ hiểu một khi cô đã ngồi xuống vẽ thì đến khi ngẩng lên đã gần hết một ngày.

Có duyên với nghề nên khi sáng tác, cô luôn đặt hết tâm trí mình vào mỗi một tác phẩm. Trong Kinh Phật có dạy “Nhất thiết duy tâm tạo” nghĩa là mọi việc đều do tâm mà sinh ra, bởi vậy nên nếu các tác phẩm của bạn được vẽ bằng cả trái tim thì nhất định sẽ chạm đến trái tim của tất cả mọi người.

Con đường nghệ thuật của Nghệ nhân Bùi Hương Thu với một xuất phát điểm đầy thử thách nhưng khi nhìn ngắm các tác phẩm của cô chúng ta cảm nhận rất rõ ràng về đam mê, sự kiên trì cũng như một hướng nhìn nghệ thuật hội hoạ hoàn toàn mới lạ, đặc sắc và không thể lẫn với bất kỳ ai.

Thu Trang – VHG